Làng cổ Đường Lâm

  13/12/2021 18:02:32
Làng cổ đường lâm ngoài thành Hà Nội, làng có 956 ngôi nhà cổ, trong đó có nhiều ngôi nhà được xây dựng từ những năm 1649, 1703, 1850

Làng cổ Đường Lâm thuộc địa phận huyện Sơn Tây, Hà Nội, cách trung tâm thành phố chỉ khoảng 44km. Đường Lâm là quê hương của Ngô Quyền và Phùng Hưng nên được gọi là “đất hai vua”. Cho đến ngày nay, làng Đường Lâm vẫn lưu giữ được những nét đặc trưng cơ bản của một ngôi làng ở Bắc Bộ có cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình,… với 956 ngôi nhà truyền thống.
Đường Lâm gồm 9 làng, trong đó 5 làng Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm liền kề nhau. Các làng này gắn kết với nhau thành một thể thống nhất với phong tục, tập quán, và tín ngưỡng hàng ngàn năm nay không hề thay đổi.

Năm 2006, Đường Lâm trở thành làng cổ đầu tiên ở nước ta được Nhà nước trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Cổng Làng Mông Phụ:

Cổng làng - nơi lưu giữ hồn quê xứ Đoài

Cổng làng Mông Phụ - Đường Lâm

Cổng làng Mông Phụ - Đường Lâm


Trong kiến trúc Việt cổ, cổng làng được hiểu như là cánh cửa của một ngôi nhà. Theo đó, kiến trúc này như một dấu hiệu đánh mốc trong với ngoài không gian làng và là một nghi thức trong cấu trúc không thể thiếu của một ngôi làng. Cổng làng Mông Phụ được xây dựng vào thời Hậu Lê, năm 1553, đời vua Lê Thần Tông.

Với người dân Đường Lâm, hình ảnh chiếc cổng làng đã trở nên rất đỗi thân quen, gần gũi trong tâm thức của họ. Đây là nơi phân cách cánh đồng làng với khu vực người dân đang sinh sống. Người đương thời sống sau cái cổng làng và người quá cố được an nghỉ bên ngoài cổng làng. Có thể thấy, cổng làng có vị trí rất quan trọng trong đời sống thực cũng như đời sống tâm linh của người dân Đường Lâm xưa.

Cũng như những công trình kiến trúc truyền thống khác, phép chọn phương hướng để xây cổng làng bị chi phối bởi thuật phong thủy. Cổng làng Mông Phụ được coi là cổng chính của Đường Lâm, quay mặt về hướng Đông Nam, chếch phía Tây là núi Tổ (núi Tản Viên). Các bậc tiền bối xứ Đoài cho biết, Đông Nam là hướng của gió lành, hướng của mặt trời mọc - hướng phát triển mạnh mẽ, con cháu mai sau sẽ thịnh vượng. Và cũng bởi quay hướng Đông Nam nên giữa trưa hè oi bức, không gian của cổng vẫn mở ra như ống thông gió, hút theo đó những hương vị của cây trái làng quê.

Là nơi phân cách với cánh đồng quê, chiếc cổng làng Đường Lâm hàng ngày “túc trực”, chờ đón người đi làm đồng về. Đây cũng là nơi đầu tiên làng dành đón khách lạ, quan kinh lý, người đăng khoa đỗ đạt, những con dân của làng làm ăn xa quê trở về trong dịp Tết đoàn viên. Những gì mà làng tiếp nhận chính là sự sống, là phúc - lộc. Có thể thấy, ý thức dựng làng, giữ làng để phát triển cho đời sau đã đi vào tâm thức biết bao thế hệ người dân xứ Đoài.

Cổng làng Mông Phụ là một công trình trong quần thể di tích của Đường Lâm, được kết hợp hài hòa với đường làng, cây đa, giếng nước, ao đình, lũy tre xanh và cánh đồng lúa mênh mông. Bao quát quanh cổng là một không gian rộng và thoáng. Một bên cổng làng là cây đa, tương truyền đã hơn 400 năm tuổi và xa xa là hàng dừa xanh mướt, tựa như các cô gái làng đang nhẹ nhàng thả dáng. Với những người con Đường Lâm làm ăn nơi xa, lâu ngày trở lại thăm quê, nhìn thấy cây đa làng thấp thoáng từ xa, họ đã xốn xang vì biết sắp sửa về đến mảnh đất chôn rau cắt rốn của mình. Và khi bước chân qua cánh cổng làng, họ như đã đạt được sự bình yên trong tâm hồn.

Cổng Làng Đường Lâm



Dấu ấn văn hoá trên cổng làng Mông Phụ

Thông thường, cổng làng truyền thống chỉ làm một lối xây vòm (cuốn tò vò) hoặc vuông góc, trên làm mái. Cổng làng Mông Phụ lại mang nét kiến trúc độc đáo nhà hai mái dốc nằm ngay trên đường vào làng, được dựng theo kiểu “thượng gia hạ môn” (trên là nhà, dưới là cổng). Cổng làng Mông Phụ có trụ đỡ mái và đầu nóc, bên trong có khung gỗ, kèo, hoành, rui. Những chiếc hoành tròn gác trên hai bộ vì “chồng giường, kẻ truyền” tạo nên hai mái cân kiểu nhà tiền tế. Hai mái chảy của cổng làng lợp ngói ri. Bờ nóc, bờ chảy đắp bờ đinh, hai đầu bờ nóc là hai đầu đinh. Chồng rường, hạ bảy trên mặt bằng ba hàng chân cột (một cột cái, hai cột quân), nối hai đầu cột quân là xà ngang, dưới xà ngang là hệ thống con tiện song làm thêm câu đối vinh danh hoặc ca tụng lịch sử - văn hóa của làng. Tất cả điều hay, điều tốt đẹp đều được các bậc túc nho viết thành câu đối khắc trước cổng.

Với truyền thống văn hóa và lịch sử lâu đời, người dân Đường Lâm đã khắc những câu đối đầy ý nghĩa nơi cổng làng. Tại cổng làng Mông Phụ xứ Đoài, ở câu đầu bên tả khắc dòng chữ dịch ra là: “Kỷ Mão mạnh hạ sắc chỉ”, nghĩa là năm Kỷ Mão làng dựng cổng làng. Căn cứ vào nội dung này mà các nhà nghiên cứu đã xác định được niên đại tương đối chính xác của cổng (năm 1553). Câu đầu bên hữu ghi “Thế hữu hưng nghi đại”, với nghĩa là: cần phát huy kế tục những giá trị văn hóa tinh thần truyền thống của làng quê (tinh thần hiếu học, đoàn kết, thượng võ) và cuộc đời muốn được hưng thịnh cần phải thích nghi. Có thể nói, nội dung lời dặn dò của các bậc tiền nhân ở làng Đường Lâm đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Một trong những dấu ấn đặc biệt ở cánh cổng làng xứ Đoài là các con số. Ai đã từng đến thăm Đường Lâm, sẽ thấy số 3 và số 11 lưu dấu trên cánh cổng làng Mông Phụ: 11 song, 11 bản và 3 hàng chân, 3 nẹp sắt, 3 then tàu, 3 chấm tròn. Thuật phong thủy cho rằng, số 11 (theo tư duy 11: 11) là con số tượng trưng cho năng lực tinh thần và số 3 là một con số đặc biệt. Số 3 và 11 trên cổng làng Mông Phụ được tạo ra không chỉ đáp ứng yêu cầu về mặt kiến trúc mà còn có ý nghĩa phong thủy và tâm linh sâu sắc.

Cổng làng từ lâu đã trở thành một công trình văn hóa đặc sắc và luôn tồn tại trong tâm khảm người Việt như là một biểu tượng của văn hóa cộng đồng. Đến với Đường Lâm, sự bình dị của chiếc cổng làng Mông Phụ hiện ra như một lời chào thân thiện của người dân xứ Đoài dành cho du khách, đưa họ bước vào khám phá ngôi làng cổ với cuộc sống mộc mạc, yên bình. Gần nửa thiên niên kỷ đã trôi qua, nhưng những dấu ấn lịch sử - văn hóa của Đường Lâm xưa vẫn còn in đậm nơi cổng làng như một nét đẹp của văn hóa dân tộc.

Làng cổ đường lâm

hình ảnh cổng các gia đình trong làng còn khá nguyên vẹn, đặc trưng của vùng thôn quê bắc bộ

Làng cổ Đường Lâm có 956 ngôi nhà cổ, trong đó có nhiều ngôi nhà được xây dựng từ những năm 1649, 1703, 1850,… Những ngôi nhà cổ này đều được làm từ các vật liệu truyền thống: đá ong, gỗ xoan, tre, gạch đất nung, ngói,… với kiến trúc 5 gian hoặc 7 gian.

nhà các gia đình trong làng cổ đường lâm

nhà các gia đình trong làng cổ đường lâm

Ngoài ra, điểm nhấn mang tính lịch sử vì đây là vùng đất địa linh nhân kiệt với rất nhiều danh nhân văn hóa nổi tiếng như Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, bà chúa Mía, Ngô Quyền, bà Man Thiện… Chính vì cùng là nơi sinh của 2 vị vua Phùng Hưng và Ngô Quyền nên Đường Lâm còn được biết đến với tên gọi “Mảnh đất 2 vua”.

nhà các gia đình trong làng cổ đường lâm

nhà các gia đình trong làng cổ đường lâm

nhà các gia đình trong làng cổ đường lâm

không gian sống của các gia đình và các vật dụng gần như không thay đổi

các chum để ngâm tương

các chum để ngâm tương, hiện còn rất nhiều gia đình trong làng duy trì nghê làm tương
 Nghề làm tương ở Đường Lâm đã tồn tại từ xa xưa, cha truyền con nối. Nhà nào cũng có một vài chum tương dành ăn cả năm hay bán cho khách thập phương. Tương Đường Lâm có hương vị rất riêng, ngọt, thơm, bùi, đậm đà khó quên.

các chum để ngâm tương

các chum để ngâm tương cổ, có những cái đã dùng cả trăm năm

dấu vết thời gian trên con đường làng cổ đường lâm

dấu vết thời gian trên con đường làng cổ đường lâm

Đình làng Mông Phụ được xây dựng cách gần 380 năm trên một khu đất trung tâm của làng, rộng khoảng 1800m2

Đình làng Mông Phụ được xây dựng cách gần 380 năm trên một khu đất trung tâm của làng, rộng khoảng 1800m2

Được xây dựng năm 1684, Đình làng Mông Phụ gồm Nghi Môn, sân đình, 2 tòa Tả Mạc và Hữu Mạc hai bên và tòa Đại đình ở giữa. Đây là kiến trúc kiểu chữ Công thường gặp ở các triều đại phong kiến xưa kia.

Đình lang mông phụ

đình làng Mông Phụ

Thiết kế của đình mang đậm nét kiến trúc Việt – Mường, mô phỏng kiến trúc của nhà sàn với sàn gỗ cách đất. Đình gồm hai tòa đại bá và hậu cung. Nhà đại bái được dựng bởi 48 cột gỗ, phía trên mỗi cột đều có trạm khắc nhiều hoa văn hình rồng, hình phượng.

đình làng Mông Phụ

đình làng Mông Phụ

Phía bên trong đình có treo rất nhiều hoành phi câu đối. Nổi bật nhất là bức hoành phi “lão long huấn tử” tức rồng già dạy con và bức hoành phi “dũng cảm cả tưởng” do vua Thành Thái ban tặng

Đá Ong - Làng cổ Đường Lâm

Đá ong làng cổ Đường Lâm

Nó có bề mặt xù xì, mộc mạc, vết lõm đều nhìn giống như bề mặt của những tổ ong, những viên gạch đá ong được chính những người dân ở Đường Lâm nói riêng và xứ Đoài nói chung tự khai thác từ chính trong lòng đất của quê mình. Những bức tường nhà bếp, cổng, giếng được xây dựng bằng đá ong đã song hành cùng lịch sử của làng.

Đá ong có những ưu điểm nổi bật như: từ lòng đất được đưa lên gặp không khí mỗi ngày một rắn, nhà xây sẽ đảm bảo mát mẻ về mùa hè, ấm áp vào mùa đông, ít mọc rêu trơn. Ngày xưa, ở những vùng quê nghèo và xa thì không có tiền mua xi măng hay vôi cát để vít nối các mạch đá mà chỉ cần lấy đất sét, đất mịn hoặc bùn non trộn với trấu để làm vít mạch.

Tuy nhiên, đá ong cũng có những hạn chế như không xây được nhà cao tầng, trong đá có chứa kim loại nên vùng này hay dễ bị hút sấm sét.

Từ con mắt và kinh nghiệm của những người thợ (thông thường là cao tuổi), họ tự phán xét và đánh giá từng dải cát để đánh giá chỗ này hay chỗ kia xuất hiện đá tốt. Thông thường loại đá xấu (đá thối) tồn tại ở những nơi đất thấp, còn loại đá tốt thường ở nơi đất cao, có những nơi chỉ đào được 12 lượt 12 viên theo độ cao từ trên xuống dưới là hết đá tốt, ưng ý. Cá biệt có những chỗ gặp “tổ” đá chỉ cần từ 4 – 6 m2 là có thể đào được 1000 viên.
Khai thác đá ông thì dùng xà beng, thuổng, cuốc chim, cuốc bản, găng tay sợi, xẻng, giày vải mềm…Xà beng được đánh dẹp dài 1,2m hay 1m. Lúc gạch lên hơi mềm nhưng sau đó gặp không khí sẽ cứng dần.

đá ong làng cổ đường lâm

Ở một số vùng quê khác của xứ Đoài hay miền Trung cũng đào được gạch đá ong nhưng loại gạch chất lượng tốt nhất vẫn phải khai thác ở vùng Đường Lâm – Sơn Tây và một số xã của huyện Thạch Thất, Quốc Oai, nhưng ngày nay, ở Làng cổ Đường Lâm hầu như không còn người khai thác loại đá ong này.