Thành Châu Sa
Vị trí: Thành Châu Sa thuộc thôn Phú Bình, xã Tịnh Châu, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.
Đặc điểm: Châu Sa là một thành cổ của người Chăm cổ xưa được đắp bằng đất. Theo các nhà nghiên cứu, Châu Sa là thành bằng đất duy nhất của người Chăm đã tìm thấy được. Ở Quảng Ngãi có một thành cổ của người Chăm. Thành cổ này có tên là thành Ðại La hay thành Châu Sa (vì nằm ở làng Châu Sa, nay là xã Tịnh Châu, huyện Sơn Tịnh) cách trung tâm thị xã khoảng chừng 7km về hướng đông bắc.
Nếu như Ðồng Dương ở Quảng Nam là Kinh đô của người Chăm thế kỷ thứ 9, 10 thì Châu Sa là thành lũy kiên cố và cũng là "trung tâm kinh tế" ở vùng phía nam. Hiện dấu tích chỉ còn 3km, bờ thành rộng 4m, chiều cao 6m, chu vi chừng 4km được đắp bằng đất. Theo các nhà nghiên cứu, Châu Sa là thành bằng đất duy nhất của người Chăm đã tìm thấy được.
Khuôn viên của thành được bao bọc bởi những bờ hào khá sâu. Thành còn có hai gọng thành (gọi là càng cua) nối thành nội với sông Trà (người Chăm rất giỏi thuỷ chiến nên thường xây dựng thành quách ở gần những con sông lớn). Châu Sa là địa điểm có nhiều ưu thế về phòng thủ nên được các nhà quân sự chọn làm điểm xây thành. Nơi đây vẫn còn sót lại những hào thành có hình bàn cờ nổi với Cổ Lũy vốn là tiền đồn của người Chăm. Vào những đêm tối trời chỉ cần đốt lên một ngọn lửa ở đây là quan quân ở thành Châu Sa sẽ nhận ra tín hiệu cấp báo có quân giặc tới.
Ở gọng thành phía đông ngày xưa vốn là nơi sản xuất gốm. Qua khai quật người ta đã tìm thấy ở đây nhiều loại gốm với chủng loại văn hoá khác nhau. Ở vùng của biển Sa Kỳ và bến sông Vực Hồng vùng Thu Xà cũng tìm được những mảnh gốm có cùng niên đại với Châu Sa. Ðiều đó đã nói lên sự giao thương mở rộng giữa thành cổ với khu vực phụ cận qua mạng lưới đường thuỷ.
Ngoài ra người ta cũng phát hiện ra nhiều hiện vật gốm cổ như thẻ bài để đeo trên người gọi là "cút". Các "cút" này dày 1cm, bề ngang 5cm và dài chừng 7-10cm. Cách thành Châu Sa chừng 500m có tháp cổ Gò Phố là nơi hành hương của các tín đồ Bàlamôn vào những ngày lễ. Trong thành cổ người ta còn tìm thấy dấu vết của một kho lương thực khá lớn. Người có công phát hiện ra thành cổ này là khảo cổ kiêm kiến trúc sư người Pháp H.Parmentier (vào năm 1924).
Năm 1988, qua một đợt khảo sát, PTS Lê Ðình Phụng ở Viện Khảo cổ đã phát hiện thêm gọng phía tây của thành. Và Châu Sa không chỉ có thành nội mà còn có thành ngoại với phạm vi rất rộng. Năm 1994, Bộ Văn hoá Thông tin đã công nhận thành cổ Châu Sa là di tích lịch sử văn hoá quốc gia.